Archive for Tháng Mười 6, 2010

HOÁ CHẤT TRÁNG PHIM & RỬA ẢNH

Posted: Tháng Mười 6, 2010 in Uncategorized

3 loại hoá chất được sử dụng trong quá trình tráng phim hay rửa ảnh. Đó là: Thuốc hiện hình (Developer); Thuốc dừng hình (Stop bath): Thuốc hãm giữ hình (Fixer).

Hóa chất tráng phim & rửa ảnh

   – Thuốc hiện hình:

     Có 2 dạng thuốc khác nhau, đó là dạng dung dịch và dạng bột. Loại dung dịch thì cứ thế pha theo liều lượng cần sử dụng và đơn giản là nó chỉ có riêng một thứ thuốc hiện hình mà thôi, còn loại bột thì lại phải pha vài loại hoá chất khác nhau mới có được một loại thuốc hiện hình. Ngoài ra còn có các loại thuốc đặc biệt cho riêng từng loại phim khác nhau (thuốc tăng giảm độ nét, độ mịn của phim hoặc tông mầu cho từng độ nhạy của mỗi loại phim khác nhau). Thông thường thì người ta chỉ sử dụng những loại thuốc phổ biến nhất dùng chung cho nhau, tất nhiên phải có những thay đổi nhỏ theo từng trường hợp cụ thể và điều kiện lúc đó yêu cầu. Mặt khác với những người chưa có kinh nghiệm thì nên đi từ dễ đến khó vẫn tốt hơn. Như vậy ta có thể hiểu là những loại thuốc đặc biệt kia chỉ dành cho những nhà chuyên nghiệp hoặc đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng. Đã là hoá chất thì pha chế phải có công thức, thuốc hiện hình làm phim ảnh cũng vậy, hơn thế nó còn có các bài thuốc khác nhau cho từng loại phim, giấy khác nhau. Thuốc hiện hình tức là khi nhúng cuốn phim đã chụp vào, nó sẽ từ từ hiện lên từng khuôn hình, từ chỗ không nhìn thấy cho tới khi hình ảnh rõ dần. Trong quá trình này phải thực hiện trong điều kiện đủ tối bởi độ nhạy sáng của phim, giấy vẫn diễn ra nên không thể chịu được ánh sáng bình thường, nghĩa là phải thao tác trong phòng tối, kể cả khi cho phim vào hộp tráng phim (tank). Thường thì thời gian giữ thuốc hiện trong hộp tank để phải ứng giữa lớp hóa chất trên phim và thuốc hiện hình diễn ra là từ 6-9 phút, tùy theo loại phim cũng như thuốc hay kinh nghiệm của mỗi người mà ta điều chỉnh chính xác thời gian này. Thời gian trong hộp tank ngắn thì phim sẽ sáng hơn, độ tương phản trung bình và độ mịn đẹp và ngược lại phim sẽ tối hơn, độ tương phản nhiều và phim nổi sạn (noise).

–         Thuốc dừng hình:

     Khi kết thúc quá trình tráng phim bằng thuốc hiện hình, người ta bắt đầu chuyển sang quá trình dừng hình, thông thường thì có thể sử dụng nước sạch để thực hiện quá trình đó, nhưng thực chất không hẳn là tốt đối với phim bởi phản ứng hoá học từ thuốc hiện hình trên bề mặt của phim có tính kiềm, cho nên dùng thuốc dừng hình là làm ngưng tác dụng của thuốc hiện hình lúc trước. Nước có thể làm sạch nhưng hoàn toàn chưa thể kết thúc quá trình của thuốc hiện hình. Mặt khác nó cũng không đảm bảo được chất lượng của phim khi bảo quản lâu dài về sau cũng như khi in phóng ảnh sẽ thấy ngay những lỗi nhỏ của phim để lại trên ảnh. Chính vì thế mà người ta phải sử dụng thuốc dừng hình mới có thể khắc phục những điều hạn chế nói trên. Ngoài những loại thuốc dừng hình có sẵn thì Dấm ăn được xem là một loại dung dịch tốt nhất cho việc dừng hình. Dấm ăn được pha chế tỷ lệ 2% với 1 phần dấm, 3 phần nước (nhớ là dùng nước tinh khiết hoặc đun sôi, để nguội và lọc hết cặn). Thời gian để dừng hình trong vòng 1 phút, với nhiệt độ trung bình trên, dưới 20oC.

–         Thuốc hãm giữ hình:

     Về thuốc hãm giữ hình, nó cũng được pha chế như thuốc hiện hình. Tức là nó cũng có nhiều bài thuốc khác nhau với công thức pha chế khác nhau cho từng loại phim. Thuốc hãm giữ hình là để cố định tình trạng đạt được độ chuẩn trong quá trình thực hiện trước đó (hiện hình), đồng thời tránh cho phim khỏi bị cháy khi gặp ánh sáng, do phim vẫn tiếp diễn quá trình phản ứng hoá học cho tới khi kết thúc quá trình này. Quá trình hãm giữ hình được thực hiện trong phạm vi từ 6 đến 8 phút với nhiệt độ trong khoảng từ 18 đến 22oC. Thuốc hãm giữ hình thường có hai loại, loại nhanh và loại thường. Người ta hay sử dụng loại thường vì tính kinh tế và tiện lợi của nó.

   Những ai chụp ảnh bằng máy ảnh phim và muốn tự mình có được đầu ra cuối cùng là tấm ảnh do tự tay mình làm thì xem bài viết đến đây đã có thể chủ động được 60 – 70% công việc hoàn chỉnh một cuốn phim sau khi đã chụp về.

 

   “Công nghệ thủ công” của máy ảnh phim được xem như là một thứ “Nghệ thuật sắp bị đánh mất”. Nhưng cho dù bất cứ ai đã từng gắn bó với máy ảnh phim (máy cơ chụp bằng phim) hoặc mới chỉ bước đầu biết đến thì cái công nghệ đó lại được xem là những điều thích thú thực sự. Nó cũng đích thực là sáng tạo mà công sức của người làm ra những tấm ảnh tâm đắc nhất, nó còn là thú vui hay sự khám phá những bí mật cũng như sự mãn nguyện trong từng khoảnh khắc mà người chơi ảnh phải bỏ bao thời gian, công sức như người mẹ mang nặng, đẻ đau mới có được mà những người giờ đây đang sở hữu một máy ảnh kỹ thuật số không bao giờ có được cái cảm xúc đó và cũng chẳng thể hiểu nổi điều đó kỳ diệu đến mức nào.

   Phòng tối – Dark room, chính là cái “Công nghệ thủ công” nói trên mà chỉ có ở máy ảnh phim, còn ngày nay người chơi ảnh số chỉ biết đến Photoshop và phòng Lap..

   Công bằng mà nói một cách tổng quát rằng: Thời buổi kỹ thuật công nghệ cao bây giờ thì so về thời gian, tính tiện lợi, kinh tế và chất lượng của máy ảnh phim làm sao có thể sánh kịp với máy ảnh số. Nhưng vẫn có những kẻ cuồng si, say mê đến bất tận với những việc làm “lỗi thời” đó với việc chui rúc trong phòng tối, trầy trật với cái “công nghệ thủ công” hàng giờ để có được một tấm ảnh như ý. Vậy hãy tìm hiểu những điều thích thú khi làm ảnh với “công nghệ thủ công” trong phòng tối là như thế nào để thấy được cái điều mâu thuẫn đó và để giải đáp được điều này, xin hãy đọc tiếp bài viết.

   Mục đích của bài viết này là dành cho những ai muốn hiểu được quá trình phát triển của nhiếp ảnh nói chung và tìm hiểu về loại máy ảnh phim nói riêng, đồng thời cũng đáp ứng cho những ai muốn dấn thân vào nghề một cách thực thụ từ cái việc tráng phim, rửa ảnh của cái được xem như “công nghệ thủ công”.

   Phòng tối như thế nào và có những gì?

   Thoạt nghe từ Phòng tối, không mấy ai hình dung ra được nó như thế nào và nó có những gì trong đó cũng như tại sao người ta lại goi nó với cái tên ấy. Nhưng tất nhiên mọi người đều nôm na hiểu được nó phải có những chai lọ hoá chất này kia, những khay, những hộp.. và rồi nó phải tối để phim, giấy ảnh không bị lộ sáng. Cái duy nhât nữa là phải có cái máy phóng ảnh trong đó.

Những trang thiết bị cần thiết của phòng tối

   Một phòng tối cơ bản phải hội đủ các điều kiện, đó là phải có máy nước, phải đủ tối và phải thông thoáng. Đầu tiên người ta muốn tráng rửa phim thì phải có nước, bởi sau khi tráng phim bằng hoá chất xong thì bước tiếp theo là rửa phim cũng không kém phần phức tạp vì nó phải được rửa sạch bằng nước để cho phim được sáng trong, tẩy sạch hết hoá chất đọng trên mặt phim mới bảo đảm chất lượng lâu bền khi bảo quản phim lâu dài, mặt khác làm sạch phim là để khi làm ảnh trên máy in, phóng nó sẽ đủ rõ và đẹp cũng như mặt phim không còn đọng thuốc sẽ không còn lo bị mốc, hoen ố nữa. Quan trọng nữa là phim phải được rửa dưới vòi nước chảy chứ không phải trong các khay, chậu bình thường. Điều thứ hai là khi tháo phim ra khỏi máy ảnh để chuẩn bị thực hiện khâu tráng phim, thì độ tối trong phòng phải đủ, tất nhiên là có thứ ánh sáng có thể đảm bảo cho phim không bắt sáng, đó là thứ ánh sáng đỏ yếu được thiết lập duy nhất trong phòng tối để người thực hiện công việc có thể nhìn thấy mọi vật. Điều đó là để đảm bảo cho phim không bị “cháy” trước khi được tráng, nếu không công lao đi chụp cuốn phim đó sẽ trở thành mây khói. Điều thứ ba là sự thông thoáng của phòng tối phải được chú ý đảm bảo để khi ta đóng kín lại để đủ độ tối thì không khí trong phòng phải được điều hoà chứ không người thực hiện công việc sẽ bị nhiễm hoá chất do ngửi phải các loại thuốc làm phim, ảnh. Mặc dù thuốc ảnh của phim đen trắng không phải là chất độc hại, nhưng tiếp xúc trong phòng kín với thời gian dài sẽ gây chóng mặt, đau đầu..Trong diều kiện tốt nhất có thể ta nên đầu tư thêm một chiếc máy hút ẩm. Tuy nhiên trong những hoàn cảnh nhất định người ta cũng có thể tạo ra được một phòng tối từ những điều kiện có thể, miễn sao phải đạt được ba điều trên đây. Mặt khác nếu cẩn thận hơn họ còn dùng những thiết bị cần thiết khác để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thao tác tháo lắp phim, giấy ảnh như loại túi chuyên dùng đặc biệt cho công việc này.

Một số loại túi chuyên dụng đặc biệt dùng để tháo lắp phim

   Việc tiếp theo sau khi đã có một phòng tối đủ tiêu chuẩn là các trang thiết bị của nó cũng như những điều cần phải chú ý trong việc sắp đặt mọi thứ trong đó.

   Trước tiên, cần lưu ý rằng phòng tối phải tương đối biệt lập để tránh những tác động vô tình từ bên ngoài do người khác gây ra. Hệ thống công tắc đèn phải bố trí riêng biệt, đúng cách, thuận tiện để khỏi bị ai đó bất chợt bật đèn lên hoặc trong khi thao tác đụng chạm vào gây bật công tắc đèn sáng. Việc bố trí công tắc cũng làm sao để người làm việc trong phòng tối dễ sử dụng, tôt nhất là phải ở trong phòng tối (không chung với bên ngoài), phía trên cao, ngay trước mặt vì gần như công tắc đèn rất hay được sử dụng trong quá trình làm phim, ảnh.

   Cái quan trọng tiếp theo là hộp rửa phim – Tank, nó là thứ không thể thiếu dùng để tráng phim, cấu trúc của nó là một hộp kín có nắp đậy, trong có vòng để cuộn phim vào và cấu trúc của hộp cho phép ta mở nó ra để đổ thuốc hóa chất đi cũng như cho hóa chất khác vào mà không làm ánh sánh lọt vào hộp ảnh hưởng đến phim.

Việc sử dụng loại hộp này cũng cần một số lưu ý sau: Nên dùng loại khá đắt tiền còn hơn loại rẻ tiền, bởi trên thị trường có bán rất nhiều loại khác nhau, cả về chất lượng và đương nhiên là cả giá cả. Chất lượng cũng như sự tiện lợi khi tráng phim của tank dựa vào giá thành của nó. Loại rẻ thì khi dùng không cho phép cuốn phim vào vòng cuốn khi vòng cuốn bị ướt, điều này rất làm mất thời gian khi ta rửa liên tục với nhiều cuộn phim, mặt khác của tank rẻ tiền là việc nó không cho phép ta xóc ngược tank khi tráng vì có thể làm nước đổ ra ngoài. Tốt hơn hết khi đầu tư ta cố gắng dùng hẳn loại tốt. Hàng rẻ hiện có một số loại như: Kaiser hay Hama, và loại cổ và rẻ tiền nhất thì của Plastimat. Tank tốt nhất và cũng có thể là đắt nhất là của hãng JOBO.

Tank của hãng JOBO.

   Thứ dụng cụ nữa để trang bị là Nhiệt kế, đối với ai khi bắt đầu đầu tư một phòng tối cũng như mới bắt đầu sự nghiệp thì nhất thiết nên sắm một cái nhiệt kế để đảm bảo chính xác và đơn giản hoá các bước tiến hành.

   Nhiệt kế dùng để kiểm tra nhiệt độ hoá chất khi tráng phim bởi nó ảnh hưởng rất lớn trong quá trình tráng. Nhiệt độ tôt nhất là 20oC, nếu thấp hơn làm cho phim sẽ bị thiếu độ tương phản, như vậy thời gian để tráng sẽ phải rút ngắn và ngược lại. Nhiệt dộ chuẩn để đảm bảo nhất là đúng 20oC. Những người đã từng có kinh nghiệm, kể cả nhiệt độ tăng, hạ trên dưới 2oC (với việc rút ngắn hay kéo dài thời gian) vẫn không ảnh hưởng gì đến kết quả. Nhưng người mới thì cần phải duy trì đúng ở 20oC. Cũng có không ít người lại không cần đến nhiệt kế, họ căn cứ vào loại phim, thời tiết và thuốc mới hay đã qua sử dụng một lần để từ đó chỉ cần ước tính thời gian (đếm nhẩm) là đã có kết quả như mong muốn. Một cách khác nữa là thử thời gian tráng bằng cách cắt lấy một mẩu phim trong hộp chưa bị lộ sáng và nhúng vào nước hóa chất rửa phim và bấm đồng hồ, khi phim chuyển sang màu đen thì ta xem đồng hồ và khoảng thời gian kéo dài đó chính là thời gian tráng phim.

Nhiệt kế

      Tiếp đến là một số chai lọ, phễu để rót, đổ hoá chất (nên dùng chai sẫm mầu), ngoài ra còn có bình có nấc chia dung lượng, đũa để quấy và phải có nước tinh khiết dùng khi pha thuốc để đảm bảo sự trong lành cho thuốc, tránh phản ứng với nguồn nước máy không được sạch hoàn toàn hay có các cặn bẩn làm xước phim trong quá trình tráng phim. Hoặc nếu có thể thì dùng nước đun sôi để nguội để pha nhưng phải nhớ dùng vải hay bông gòn lọc qua trước khi dùng. Những lưu ý trên đây mục đích là để giảm thiểu tối đa những gì sẽ gây ra cho chất lượng của phim tráng.

Một số trang bị cần thiết trong phòng tối

    Sau cùng là bố trí một số dây phơi và cặp nhựa để phơi phim sau khi tráng cũng như kẹp giấy ảnh sau khi in, phóng.

 

Hóa chất tráng phim & rửa ảnh (Xem ở bài tiếp sau bài này)

Trên đây là toàn bộ những gì cần nhất cho hoạt động của một phòng tối, cũng như những vấn đề cơ bản nhất để người thực hiện công việc tráng rửa phim hoặc in, phóng ảnh cần biết. Để kết luận bài viết này, xin được nhắc lại những lưu ý rằng nhiệt độ, nồng độ và thời gian tương tác với phim của mỗi loại thuốc là rất quan trọng và cần được giữ đúng để đảm bảo chất lượng của phim. Đặc biệt là nhiệt độ của thuốc hiện hình, với những người có kinh nghiệm cho biết là khi nhiệt độ thuốc hiện chênh trên hoặc dưới nhiệt độ chuẩn 20oC thì kết quả sẽ khác nhau là khá nhiều.

Ở những bài viết sau xin được đi sâu vào giới thiệu những kỹ năng của “công nghệ thủ công” trong phòng tối và hãy xem cái thứ “Nghệ thuật sắp bị đánh mất”; cái công nghệ được xem là những điều thích thú thực sự kia là như thế nào và tại sao những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh lại cứ muốn dấn thân vào.